Open top menu

Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồng Hạnh – Bác sĩ lâm sàng IVF Hồng Ngọc

Trong điều trị hiếm muộn, việc kích thích buồng trứng là vô cùng quan trọng nhằm giúp nang noãn phát triển trong trường hợp rối loạn rụng trứng hoặc không có rụng trứng tự nhiên hoặc những trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Có nhiều loại thuốc kích trứng bao gồm cả dạng thuốc uống và thuốc tiêm. Dựa vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ lựa chọn loại thuốc phù hợp.

          Có nhiều loại thuốc kích trứng bao gồm cả dạng thuốc uống và thuốc tiêm

Theo đó, có 4 nhóm thuốc kích trứng chính là:

Nhóm anti-estrogen

Nhóm gonadotropin

Nhóm human chorionic gonadotropin (hCG)

Nhóm Gonadotropin releasing hormone – GnRH

1. Nhóm anti – estrogen

1.1 Clomiphene citrate

Được tổng hợp từ năm 1956, Clomiphen citrate là một loại thuốc non – steroid có gốc từ triphenylchloro-ethylene. Cấu trúc của Clomiphen citrate tương tự như diethylstilbestrol, một loại estrogen tổng hợp.

Clomiphen citrate có tính chất kháng estrogen. Nó gắn kết cạnh tranh với thụ thể của estrogen tại vùng hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng và nội mạc tử cung. Trong một chu kỳ điều trị thành công một hay nhiều nang noãn sẽ phát triển. Nồng độ estradiol tăng liên tục kích thích đỉnh LH gây trưởng thành và phóng noãn.

Clomiphen citrate được chỉ định trên những bệnh nhân có rối loạn phóng noãn. Thuốc có thể tác động gây phóng noãn ở 80% các trường hợp, nhưng chỉ 20% trong số này có thai.

Điều không mong muốn nhất khi sử dụng Clomiphen citate để kích thích buồng trứng là trong một số trường hợp có thể làm cho nội mạc tử cung mỏng và chất nhầy cổ tử cung không thuận lợi cho sự xâm nhập của tinh trùng.

Vì khả năng sinh sản giảm theo tuổi nên không dùng Clomiphen citrate kích thích quá 6 chu kỳ và không nên kéo dài điều trị bằng Clomiphen citrate ở phụ nữ trên 35 tuổi.

Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể thấy một vài tác dụng phụ như bốc hỏa (10%), đau chướng bụng (5%), căng ngực (2%), nhức đầu (1.5%). Nguy cơ gây quá kích buồng trứng khi sử dụng Clomiphen citate rất thấp, vì số nang noãn phát triển thường không quá 4 nang.

Các chế phẩm: clomid, clomiphen, ovuclon, clostilbegyt…

1.2 Aromatase inhibitor

Aromatase inhibitor – AI, thuốc ức chế men thơm hóa, một loại thuốc điều trị ung thư vú ở người mãn kinh dựa trên cơ chế ngăn cản quá trình thơm hóa androgen thành estrogen, qua đó làm ngưng phát triển những khối u phụ thuộc estrogen. Từ cơ chế tác động trên, nhiều nghiên cứu đã ứng dụng thuốc này để kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh.

AI hấp thu hoàn toàn sau khi uống và thời gian bán hủy là khoảng 48h (30-60 giờ). Thuốc được chuyển hóa qua gan, 85% thải qua gan, 65% thải qua mật và 11% thải qua nước tiểu.

Cơ chế tác động của AI: ức chế tổng hợp 80% estradiol ở buồng trứng, sẽ giải phóng trục hạ đồi tuyến yên khỏi phản hồi âm của estrogen qua đó gây tăng tiết FSH kích thích sự phát triển của nang noãn. Do thời gian bán hủy ngắn và không cạnh tranh gắn kết với các thụ thể của estrogen, AI không gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như ở Clomiphen citrate.

AI được chỉ định cho những bệnh nhân có rối loạn phóng noãn. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ gây rụng trứng khi kích thích buồng trứng bằng AI là 75% và tỉ lệ có thai là 25%.

Tác dụng phụ của AI có thể xảy ra như đau lưng (17%), bốc hỏa (18%), nhức xương (20%), buồn nôn (15%) và thường được ghi nhận ở những bệnh nhân sử dụng thuốc dài ngày.

Một số chế phẩm thường gặp trên thị trường: femara (letrozole)…

2. Nhóm Gonadotropin

Năm 1927, Aschheim và Zondek phát hiện chất có hoạt tính giống hormone thùy trước tuyến yên trong nước tiểu của người phụ nữ có thai và đặt tên là Gonadotropin. Năm 1930, Zondek nhận thấy Gonadotropin cũng hiện diện trong nước tiểu của người phụ nữ đã mãn kinh.

Sau đó nhiều nhà nghiên cứu tìm cách phân lập Gonadotropin ra khỏi nước tiểu. Sản phẩm Gonadotropin đầu tiên có tên Pergonal, bao gồm FSH và LH chiết suất từ nước tiểu của người phụ nữ mãn kinh chính thức đưa vào sử dụng tại Ý năm 1950. Từ đó có rất nhiều sản phẩm Gonadotropin ra đời.

2.1.  Human menopausal gonadotropin (hMG)

hMG chứa 75UI FSH – 75 UI LH hoặc 150 UI FSH – 150 UI LH. Trong hMG có 5 loại đồng hormone FSH và 7 loại LH khác nhau. Sự khác biệt này dẫn đến các đáp ứng khác nhau của bệnh nhân khi sử dụng hMG.

Sử dụng hMG trong kích thích buồng trứng được đánh giá là tương đối an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, người sử dụng có thể gặp các tác dụng phụ tại chỗ như đau, phản ứng dị ứng do các protein lạ không phải Gonadotropin lẫn trong chế phẩm gây nên.

Một số chế phẩm thường gặp: IVF M, Menogon, Menopur.

2.2 Purifiel follicle stimulating hormone (pFSH- FSH tinh khiết)

Được ra đời từ cuối những năm 1908, FSH tinh khiết là sản phẩm cùng nguồn gốc từ hMG nhưng đã lọai bỏ LH, còn < 1% LH và loại bỏ những protein lạ.

Một số chế phẩm thường gặp: Fostimon.

2.3 Reconbinant FSH (rFSH – FSH tái tổ hợp)

Được sản xuất từ giữa những năm 1990, bằng cách chèn gen mã hóa cho tiểu đơn vị alpha và beta của FSH vào các vector rồi chuyển sang dòng tế bào buồng trứng của chuột hamster. rFSH tinh khiết hơn, an toàn và hiệu quả hơn các chế phẩm từ nước tiểu.

Các chế phẩm:

  • rFSH đơn thuần: Gonal F, Puregon, Follitrope.
  • rFSH kết hợp với rLH: Pergoveris.
2.4 Recombinant FSH tác dụng kéo dài

Corifollitropin alpha (Elonva 100µg và 150µg) là một chất duy nhất kích thích nang noãn có tác dụng kéo dài. Tiêm một mũi duy nhất nhưng có tác dụng duy trì sự phát triển nang noãn trong vòng 7 ngày.

3. Nhóm human chorionic gonadotropin (hCG)

Gồm 2 loại hCG chiết xuất từ nước tiểu và hCG tái tổ hợp.

hCG được chiết suất từ nước tiểu của người phụ nữ có thai và có tính chất tương đối giống LH, đều là glycoprotein, có chuỗi alpha giống nhau và khác ở chuỗi beta. Do hCG có hoạt tính mạnh hơn và thời gian bán hủy dài hơn LH nên được dùng để tạo đỉnh LH giữa chu kỳ làm cho noãn trưởng thành và khởi phát phóng noãn khoảng 34-38h sau. Liều khởi đầu phóng noãn thay đổi tử 5000 – 10000 UI.

Các chế phẩm: Pregnyl, IVF C, Choragon.

Ngoài ra còn có hCG tái tổ hợp: Ovitrelle, liều sử dụng là 250 microgam tương đương với 6000 UI hCG trong nước tiểu.

4. Nhóm Gonadotropin releasing hormone – GnRH

4.1 Nhóm GnRH đồng vận (GnRH agonist)

 GnRH agonist được tạo ra với mục đích tăng thời gian bán hủy của thuốc, có sự thay thế của một hoặc hai acid amin (thường ở vị trí thứ 6 hoặc thứ 10) bằng acid amin khác hay với các phân tử phức tạp hơn.

GnRH agonist có ái lực mạnh hơn với các thụ thể của GnRH, có thời gian bán hủy dài hơn (80 phút) và có hoạt tính sinh học mạnh hơn GnRH từ 50 đến 100 lần.

Do là những phân tử polypeptid nhỏ nên GnRHa không dùng theo đường tiêu hóa mà thường được chỉ định theo đường tiêm dưới da hoặc xịt mũi. GnRHa được sử dụng nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của đỉnh LH sớm (ngăn ngừa rụng trứng sớm).

Tác dụng phụ khi dùng GnRHa là giảm các hormone sinh dục trong máu. Các triệu chứng giảm estrogen như giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, ngực nhỏ lại, rối loạn tâm lí, loãng xương. Sự chế tiết FSH và LH sẽ trở lại như cũ sau khi ngưng sử dụng GnRHa.

Các chế phẩm: Diphereline, Triptoreline, Suprefact.

4.2 Nhóm GnRH đối vận (GnRH antagonist)

Các chất đối vận GnRH (GnRHant) có cấu trúc tương tự GnRH nhưng nhiều vị trí acid amin thay đổi. Có 3 thế hệ GnRHant: thế hệ thứ nhất có khuyết điểm gây tăng phóng thích histamine, gây phản ứng phản vệ vì thế không được sử dụng trên lâm sàng; còn thế hệ thứ 3 của thuốc giảm thiểu được tác dụng phụ này và hiện đang được sử dụng rộng rãi.

GnRHant gây ức chế sự chế tiết LH và phòng ngừa đỉnh LH sớm. So với GnRha, GnRHant cần một lượng thuốc lớn hơn để ức chế tuyến yên. Tuy nhiên, GnRHant cho thấy nhiều ưu điểm hơn GnRHa trong kích thích buồng trứng do rút ngắn được thời gian tiêm thuốc, giảm lượng Gonadotropin sử dụng do tận dụng được nguồn FSH nội sinh, tránh hình thành nang cơ năng và tạo sự tiện lợi cho bệnh nhân nhưng vẫn duy trì được tỉ lệ có thai.

Tác dụng phụ của GnRHant: phản ứng tại vết chích, nhức đầu, mệt mỏi

Các chế phẩm thường gặp: Cetrotide.

Trên là 4 nhóm thuốc kích trứng được sử dụng rộng rãi trong điều trị vô sinh hiếm muộn. Tùy từng thể trạng và điều kiện cụ thể mà mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng loại thuốc kích trứng phù hợp. Để được tư vấn thêm nhiều thông tin, các bạn có thể đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc để được các bác sĩ trực tiếp thăm khám và xét nghiệm để đưa ra những lời khuyên tốt nhất.

Xem thêm các bài viết khác:

Phương pháp mới đánh giá buồng, vòi tử cung: siêu âm gel cản âm

Quá kích buồng trứng: tỷ lệ, biểu hiện và biến chứng

Các phương pháp đánh giá thông hai vòi tử cung và buồng tử cung

The post TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG appeared first on Trung tâm IVF Hồng Ngọc.

source https://ivfhongngoc.com/thuoc-kich-trung/

The post TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG appeared first on Trung tâm IVF Hồng Ngọc.

source https://ivfhongngoc.com/tim-hieu-ve-cac-loai-thuoc-kich-trung/

The post TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG appeared first on Trung tâm IVF Hồng Ngọc.

source https://ivfhongngoc.com/tim-hieu-ve-cac-loai-thuoc-kich-trung-2/

The post TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG appeared first on Trung tâm IVF Hồng Ngọc.

source https://ivfhongngoc.com/tim-hieu-ve-cac-loai-thuoc-kich-trung-3/

The post TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI THUỐC KÍCH TRỨNG appeared first on Trung tâm IVF Hồng Ngọc.

ivf hồng ngọc
DỊCH VỤ HỖ TRỢ

Dịch vụ hỗ trợ miễn phí về thông tin, phiên dịch, xe đưa đón, đặt vé ... giúp khách hàng không phải lo lắng về những vấn đề phát sinh, giúp khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm để tập trung cho việc điều trị. Liên hệ hỗ trợ : 091 596 0139 - (84-4) 3927 5568 ext 2221